Bị tiêu diệt Biến_Bàng_Huân

Trương Huyền Nhẫm không tự nguyện tham gia nổi loạn cùng Bàng Huân, do vậy người này thuyết phục các thuộc hạ về phe mình và tiến hành thương lượng với Khang Thừa Huấn để dâng thành đầu hàng. Ngày Đinh Tị (3) tháng 9 (11 tháng 10),[3] trong khi Trương Nho và Trương Thực uống rượu cùng nhau, Trương Huyền Nhẫm cho bao vây họ và tuyên bố rằng Bàng Huân đã chết, ra lệnh giết Trương Nho và Trương Thực. Trương Huyền Nhẫm một mình cai quản thành, sang ngày Mậu Ngọ hôm sau thì mở cổng thành đầu hàng Khang Thừa Huấn, được Khang Thừa Huấn ban cho chức quan và thưởng rất hậu. Sau đó, theo đề xuất của Trương Huyền Nhẫm, Trương Huyền Nhẫm đem ba vạn lính Túc châu và vài trăm quan quân giả vờ là đang dẫn loạn quân chạy khỏi Túc châu sau khi quan quân chiếm được thành, tiến về căn cứ loạn quân ở Phù Li (苻離), gần Túc châu. Khi đến Phù Li, Trương Huyền Nhẫm trảm tướng trấn thủ và đoạt lấy thành và một vạn lính, sau đó tiến về phía bắc đến Từ châu, chuẩn bị dùng cách thức tương tự để chiếm thành. Tuy nhiên, khi Trương Huyền Nhẫm đến nơi, Bàng Cử Trực và Hứa Cát đã biết tin nên thủ thành.[2]

Ngày Tân Dậu (7) tháng 9 (15 tháng 10), Trương Huyền Nhẫm đến Bành Thành và tiến hành bao vây, song án binh chưa công thành; dụ các binh sĩ trên thành rằng triều đình sẽ không trừng phạt ai đầu hàng. Loạn quân bắt đầu bỏ giáp đầu hàng. Bàng Cử Trực và Hứa Cát thoạt đầu triệt thoái vào tử thành, song phát hiện thấy binh sĩ của họ thiếu chí khí nên quyết định cố gắng chiến đấu để phá vây. Trương Huyền Nhẫm ngăn chặn và giết họ, vài nghìn thành viên gia đình loạn quân cũng bị giết, quân triều đình nhanh chóng kiểm soát thành.[2]

Trong khi đó, ngày Canh Thân (6) tháng 9 (14 tháng 10) Bàng Huân chiếm được nam thành của Tống châu, song Tống châu thứ sử Trịnh Xử Xung (鄭處沖) vẫn phòng thủ bắc thành, Bàng Huân từ bỏ nỗ lực chiếm thành này và dẫn binh tiếp tục tiến về phía tây, hướng đến Bạc châu. Lúc này, quân Sa Đà dưới quyền Chu Da Xích Tâm cũng đến nơi. Bàng Huân cố gắng tiến trở lại Từ châu, song khi ông đến Kì huyện[c 27], Lý Cổn (李袞) phá cầu để ông không thể qua Hoán Thủy (渙水). Quân triều đình sau đó tiến công và giết gần vạn loạn binh, số còn lại lao xuống sông và phần lớn chết đuối, chỉ có gần một nghìn người đầu hàng. Bàng Huân cũng chết trong trận chiến.[2]

Ngô Quýnh vẫn tiếp tục giữ Hào châu, đến đêm ngày Tân Sửu (17) tháng 10 (24 tháng 11) thì đột vây chạy trốn, song bị quan quân truy kích, Ngô Quýnh chết ở Chiêu Nghĩa.[2]